Giảm đau khi niềng răng
Đau buốt là việc khó tránh khỏi trong thời gian đầu khi bạn chưa quen có mắc cài trong miệng. Ngậm nước muối ấm là cách rất hiệu quả để giảm đau; phương pháp tâm lý như nghe nhạc, đọc truyện, tập trung làm việc khác cũng là một cách rất hữu hiệu để bạn “quên đau”. Nếu đau đến mức không chịu đựng được thì bạn cần phải khám hay hỏi bác sỹ xem có cần phải dùng thuốc giảm đâu không. Đừng có chịu đựng vì có thể tổn hại đến dây thần kinh.
Vệ sinh răng miệng khi niềng răng
Với hầu hết mọi người thì chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách đã có thể giúp đảm bảo vệ sinh răng miệng, tuy nhiên, với bệnh nhân đang điều trị chỉnh nha cố định thì như thế vẫn chưa đủ. Thức ăn rất dễ bị mắc lại bên dưới dây cung, xung quanh các thun buộc tại chỗ và vì vậy tạo điều kiện thuận lợi để hình thành mảng bám vi khuẩn gây kích thích nướu, sâu răng và hôi miệng. Vì thế, việc lấy sạch mảng bám trên răng và xung quanh mắc cài thường xuyên là rất quan trọng. Có vậy, sau khi hoàn tất quá trình chỉnh nha, bề mặt răng bên dưới mắc cài mới được khỏe mạnh và bóng đẹp.
Vệ sinh răng miệng đòi hỏi phải làm kỹ và cẩn thận vừa để đảm bảo sức khỏe răng miệng, đặc biệt là không để thức ăn, mảng bảng giữ lại trên mắc cài, dây niềng, lò xo,…và không được làm ảnh hưởng đến hình dạng cấu trúc niềng răng.
Chải răng-bằng bàn chải lông mềm: Bạn nên sử dụng bàn chải với lông bàn chải mềm vì nó dễ chui vào các góc và kẽ cũng như không gây tổn thương lợi. Chải răng ít nhất 3 lần một ngày. Tốt nhất là chải răng sau tất cả các bữa ăn để đảm bảo không có thức ăn mắc lại xung quanh mắc cài. Bàn chải đánh răng của bạn sẽ hư nhanh chóng vì mắc cài, do đó bạn cần thay bàn chải ngay khi nó bị xơ tua.
Chải răng bằng bàn chải chuyên dụng (bàn chải kẻ răng): Bàn chải kẽ răng rất hiệu quả để lấy đi một lượng lớn mảnh vụn thức ăn và mảng bám trên răng và nướu. Sau khi dùng bàn chải kẽ cho mỗi mắc cài, dùng bàn chải thông thường theo cách đã hướng dẫn ở trên.
Dùng chỉ tơ nha khoa: Sử dụng chỉ tơ ít nhất một lần một ngày, tốt nhất là dùng chỉ tơ sau tất cả các bữa ăn. Khi bạn mang mắc cài thì sẽ khó để luồn được chỉ dưới dây cung nhưng đã có các dụng cụ đặc biệt để hỗ trợ, đó là cây luồn chỉ và một loại chỉ tơ đặc biệt.
Fluoride: Luôn sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa Fluoride. Chúng sẽ cung cấp Fluoride để bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha.
Ăn uống đúng cách trong khi chỉnh răng
Ngoài mất thời gian, chịu đau thì việc phải “kiêng ăn” là thử thách lớn trong quá trình niềng răng. Các loại thức ăn hay đồ uống cứng - giòn, quá nóng hay quá lạnh, quá ngọt, có độ đính cao là chống chỉ định với người niềng răng như: kẹo cao su, đá cục, các loại hạt cứng (đậu phộng, hạt điều),…Đối với các thức ăn cứng, giòn nhưng tốt cho sức khỏe như cà rốt, táo,.. bên nên cắt nhỏ hãy xay nhuyễn để tránh lực tác động mạnh vào răng.
Chú ý mắc cài, dây đai khi chỉnh răng
Việc mắc cài, dây đai, lò xo,..bị lệch, cong, đứt là điều khó tránh khỏi dù bạn đã rất cẩn trọng khi ăn uống, vệ sinh răng miệng. Khi có bất kỳ bộ phận nào trong bộ niềng răng bị rơi ra bạn cũng phải cầm đến để bác sỹ xem và xử lý sớm.
Tránh các tác động mạnh đến răng miệng khi chỉnh răng
Việc tập thể thao, chơi các trò vận động mạnh rất dễ gây ra các va đập tác động trực tiếp vào răng miệng. Bạn cần phải hạn chế và sử dụng dụng cụ bảo vệ khi cần thiết. Khi bị tai nạn có va đập răng miệng phải kiểm tra cẩn thận xem bộ niềng răng có bị ảnh hưởng không và có cần đến cho bác sĩ khám, kiểm tra lại.
Chăm sóc răng miệng sau khi chỉnh răng
Sau khi tháo mắc cài, việc đeo hàm duy trì là cần thiết trong hầu hết các trường hợp để duy trì kết quả niềng răng, chỉnh nha. Có nhiều loại hàm duy trì để lựa chọn theo nhu cầu của bạn và theo lời khuyên của bác sĩ.
|